Ra mắt cuối tháng 10, Asus Fonepad 8 (FE380CG) là phiên bản mới nhất thuộc dòng máy tính bảng có chức năng gọi điện, nhắn tin được tung ra vào thời điểm cuối năm nhằm góp phần làm tăng thêm sự lựa chọn từ Asus.
Fonepad 8 đang có giá bán 4,99 triệu đồng, thuộc phân khúc máy tính bảng tầm trung cận giá rẻ nhưng được trang bị nhiều tính năng đáng chú ý như loa kép ở mặt trước, hỗ trợ hai SIM nghe gọi, cấu hình và hiệu năng khá cùng thiết kế thon gọn, viền màn hình mỏng.
ASUS Fonepad 8 (FE380CG)
Thiết kế
ASUS Fonepad 8 (FE380CG) được thiết kế khá trẻ trung và nhỏ gọn. Máy có bề ngang chỉ 12 cm giúp dễ dàng cầm bằng 1 tay. Thân máy dày 8,9 mm và trọng lượng 310g ở mức vừa phải, giúp người sử dụng dễ dàng mang theo bên mình.
Máy được trang bị hai loa ở mặt trước phía trên và phía dưới của máy tạo sự cân đối và cho chất lượng âm thanh kép rất hay.
Fonepad 8 có màn hình 8 inches. Viền màn hình 2 bên tương đối nhỏ nhưng viền trên và dưới khá dầy làm người dùng có cảm giác máy hơi dài. Đây cũng là 1 điểm trừ trong thiết kế
Mặt sau máy vẫn được làm bằng nhựa theo cách truyền thống, bề mặt có nhiều lỗ nhỏ tạo độ sần cho cầm nắm dễ dàng và không bám vân tay. Camera được đặt lệch hẳn sang góc trái, không có đèn flash trợ sáng.
Bao quanh viền màn hình và cạnh máy là khung kim loại nhỏ màu vàng nhạt, nắp lưng không tháo rời được. Do phần cạnh được vát làm cho máy mỏng hơn, các nút bấm được đưa vào phần vát nên khó bấm, nhất là khi sử dụng bằng một tay.
Cạnh trái có khe cắm Sim dạng thường và thẻ nhớ microSD có nắp che bảo vệ.
Fonepad 8 hỗ trợ nghe gọi và kết nối 3G, trên thân máy có 2 khe cắm SIM chuẩn MicroSIM. Cạnh đỉnh máy có giắc cắm tai nghe, cổng sạc microUSB.
Màn hình
So với chiếc Fonepad 7 ra mắt năm ngoái, độ phân giải màn hình của Fonepad 8 vẫn giữ nguyên là 1280 x 800 pixel, mật độ điểm ảnh 189 ppi. Do độ phân giải khiêm tốn như vậy nên hình ảnh hiển thị không được sắc nét, tuy nhiên đây cũng là vấn đề chung đối với các máy tính bảng giá rẻ.
Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi thấy chất lượng hiển thị của màn hình cũng không đến nỗi tệ, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường. Máy có góc nhìn rộng, ít bị thay đổi màu sắc, có phần tốt hơn chiếc Fonepad 7. Khả năng tái tạo màu sắc cũng tốt nên màn hình cho cảm giác thật, dễ nhìn. Bên cạnh đó mặc dù được quảng cáo là màn hình phủ lớp chống vân tay nhưng tôi nhận thấy màn hình của ASUS Fonepad 8 cũng bị bám dính vân tay, nhanh bẩn nếu không được lau chùi thường xuyên.
Khi sử dụng các thiết bị chuyên dụng để đo chất lượng hiển thị của màn hình, ASUS Fonepad 8 có độ sáng tối đa ở mức trung bình (335 nit) nhưng khả năng hiển thị màu đen lại khá nên máy có độ tương phản tốt ở mức 1654:1. Với những màu sắc cơ bản, máy đều thể hiện rất thật và màn hình không có xu hướng ám màu xanh như nhiều máy tính bảng giá rẻ khác.
Khả năng hiển thị các màu cơ bản: Phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên là màu thể hiện trên màn hình.
Khả năng hiển thị thang màu xám: phía dưới là các màu không cơ bản tiêu chuẩn và phía trên là màu thể hiện trên màn hình
Bảng đo không gian màu của Asus Fonepad 8. Các ô vuông là những điểm màu chuẩn, còn chấm tròn là màu đo được trong thực tế. Có thể thấy không gian màu của Asus Fonepad 8 vẫn bị hạn chế.
Mời bạn đọc tham khảo: VnReview đánh giá màn hình như thế nào?
Hệ điều hành và tính năng
Asus Zenfone 8 sử dụng hệ điều hành Android 4.4 KitKat mới nhất với giao diện ZenUI trực quan. Thao tác vuốt từ trên xuống ở phía bên trái sẽ mở ra thanh thông báo, còn nếu vuốt ở phía bên phải sẽ hiện ra thanh thiết lập nhanh tiện lợi.
Máy được tích hợp sẵn khá nhiều tính năng của Asus như: What's Next có chức năng tương tự như một quyển sổ sắp xếp, quản lý, cảnh báo công việc; ZenLink là tập hợp các phương thức giao tiếp chia sẻ dữ liệu của chiếc máy tính bảng này với các thiết bị khác một cách tiện lợi; Open Cloud để liên kết với các dịch vụ chia sẻ điện toán đám mây One Drive, Google Drive; Power Saver giúp tiết kiệm năng lượng, công nghệ Miracast cho phép truyền nội dung một cách nhanh chóng ...
Ứng dụng tích hợp sẵn
Tính năng tiết kiệm pin Power Saver
Bên cạnh đó không thể không nhắc tới một tính năng nổi trội là máy hỗ trợ 2 khe SIM, có thể sử dụng một SIM nghe gọi và một SIM 3G.
Hiệu năng
Fonepad 8 trang bị chip Intel Atom Z3530 bốn lõi thế hệ mới, công nghệ 64 bit tốc độ 1.33 GHz, bộ xử lý hình ảnh (GPU) PowerVR G6430. Sử dụng thực tế với các tác vụ cơ bản như lướt web, chuyển màn hình, gọi điện, nhắn tin, vào danh bạ, xem video thì máy tỏ ra khá mượt mà, nhưng cũng không vượt trội so với thế hệ cũ. Sự chênh lệch thể hiện khi máy bật các ứng dụng hay game nặng, lúc này Fonepad cho thời gian tải nhanh hơn hẳn.
Khi sử dụng các ứng dụng đánh giá hiệu năng Fonepad 8 cho điểm khá cao. Cụ thể máy đạt 12167 điểm với Quadrant và 26859 điểm trong AnTuTu. Tuy nhiên do chỉ có 1GB RAM nên những đoạn chuyển cảnh trong game như Asphalt 8 hay Dead Trigger 2 đôi khi vẫn xuất hiện hiện tượng lag giật nhẹ.
Một trong những đặc điểm giúp cho máy có giá rẻ nữa là nó có bộ nhớ trong khiêm tốn chỉ 8GB, trong đó còn khoảng hơn 4GB cho người dùng nên rất thiếu thốn khi lưu trữ hay cài đặt nhiều ứng dụng. Tuy nhiên máy hỗ trợ thẻ nhớ microSD lên đến 64GB nên người sử dụng cũng yên tâm hơn.
Camera
Giống như phiên bản tiền nhiệm, Asus Fonepad 8 được trang bị hai camera với camera trước độ phân giải 2.0 MP và camera sau độ phân giải 5.0 MP. Cả hai camera đều được hỗ trợ công nghệ chụp ảnh PixelMaster và nhiều chế độ chụp sáng tạo nhưng chất lượng chụp ảnh chỉ ở mức trung bình, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chia sẻ trên mạng xã hội hoặc đàm thoại video. Camera của máy cũng không được trang bị đèn Flash nhằm cắt giảm chi phí.
Dưới đây là một số ảnh chụp từ camera chính của máy, khi bấm vào ảnh để xem ảnh gốc chúng ta có thể thấy hình ảnh bị hiện tượng bết, nhiễu khá nặng.
Ảnh chụp ngoài trời bằng camera sau
Chất lượng quay phim trên máy cũng tương tự chất lượng chụp ảnh, không có gì nổi trội. Máy có thể quay phim Full HD tốc độ 30 hình/giây. Hình ảnh có hiện tượng nhiễu, khả năng thu hình trong điều kiện thiếu sáng cũng chưa tốt.
Âm thanh
Fonepad 8 được trang bị hệ thống loa kép ở phía trước, âm thanh stereo cùng công nghệ SonicMaster giúp cho âm thanh đến trực tiếp tai người sử dụng để thưởng thức các bài hát, những bộ phim hoặc trò chơi. Qua trải nghiệm thực tế, bộ loa ngoài của máy cho âm thanh rõ ràng, tách bạch khi nghe ở gần nhưng âm lượng nhỏ nên người ngồi xa khoảng 2, 3 mét sẽ không nghe rõ.
Về mặt đàm thoại thì loa của máy đáp ứng âm lượng khá. Tôi thử nghiệm một số cuộc đàm thoại với SIM của ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đều thấy chất âm cuộc gọi và thu tiếng đều ổn. Tuy nhiên trong quá trình test thời lượng pin nghe gọi thì nhiều lần máy bị hiện tượng ngắt cuộc gọi trong khoảng thời gian 20 phút mà không rõ nguyên nhân.
Người sử dụng cũng nên mang theo một chiếc tai nghe để kết nối trong trường hợp sử dụng máy để thực hiện đàm thoại, thay vì cầm một chiếc máy tính bảng 8 inch để áp trực tiếp lên tai.
Pin
Máy được trang bị pin Li-polymer 15.2Wh và chip Intel Atom Z3530 với công nghệ tiết kiệm năng lượng nên cho thời gian sử dụng liên tục trong khoảng 10 giờ với các tác vụ cơ bản như lướt web, truy cập mạng xã hội, thỉnh thoảng xem phim, gọi điện, chơi game nhẹ
Trong thử nghiệm của chúng tôi, thời lượng pin nghe gọi của Fonepad 8 đạt 12 tiếng 23 phút từ lúc sạc đầy đến khi còn 10%, thời gian chơi game là 2 tiếng 57 phút, thời gian xem phim là 4 tiếng 28 phút và thời gian duyệt web là 6 tiếng 13 phút. Nhìn chung, kết quả này nằm ở mức khá đối với một chiếc máy tính bảng tầm trung.
Kết luận
Asus Fonepad 8 FE380CG là một chiếc máy tính bảng 8 inch có thiết kế gọn nhẹ, hiện đại và tinh tế. Máy có hiệu năng khá, được trang bị hai SIM và đặc biệt là hỗ trợ giải trí tốt nhờ màn hình sáng, loa kép cho chất âm khá.
Fonepad 8 có nhiều phiên bản với màu sắc trẻ trung và mức giá khá mềm. Với những khách hàng trẻ muốn một thiết bị đa năng, giải trí tốt và có thể nghe gọi khi cần thì đây là một sự lựa chọn tốt ở thời điểm cuối năm.
Theo vnreview
0 comments:
Post a Comment